• 10 nguyên nhân gây ra các vấn đề về tiêu hóa

    Các vấn đề của hệ tiêu hóa - bao gồm ợ nóng, táo bón, tiêu chảy,... - gây nên cảm giác khó chịu cho cơ thể, nhưng đây chưa phải là tất cả. Trong hầu hết các trường hợp, chúng đều là dấu hiệu của một bệnh nào đó (chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm, cúm dạ dày, hoặc bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt).

    10 nguyên nhân gây ra các vấn đề về tiêu hóa

    Các vấn đề của hệ tiêu hóa gây nên cảm giác khó chịu cho cơ thể

    Đôi khi, các dấu hiệu này có thể xuất hiện một cách bất chợt, không thể đoán trước và không có nguyên nhân rõ ràng.

    Nếu nhận thấy triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đến gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

    Thông thường, các triệu chứng xuất hiện ở vùng bụng, gần xương sườn, chủ yếu là đường tiêu hóa trên, bao gồm thực quản, dạ dày và ruột non. Trong khi đó, các triệu chứng xảy ra ở vùng bụng dưới thường liên quan đến đường tiêu hóa dưới, bao gồm hậu môn và hệ đường ruột (trong đó có ruột thừa, manh tràng, đại tràng và trực tràng).

    Các dấu hiệu này đa phần bắt nguồn từ chính đường tiêu hóa, tuy nhiên, một số vấn đề ở dạ dày có thể dẫn đến tình trạng rối loạn hệ thống nghiêm trọng hơn, như nhiễm trùng, mất cân bằng nội tiết tố hoặc bệnh tự miễn.

    10 vấn đề thường gặp ở hệ tiêu hóa

    Khi cái gì đó xảy đến cho cơ thể một cách nhanh và dữ dội, ngay lập tức, tâm trí của chúng ta thường sẽ nghĩ ngay đến nguyên nhân tồi tệ nhất có thể, chẳng hạn như ung thư dạ dày. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể tự hết sau một khoảng thời gian, một số phải dùng thuốc trong thời gian dài, hoặc đôi khi phải thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày.

    Sau đây là thông tin về 10 vấn đề phổ biến nhất của hệ tiêu hóa, mời bạn đọc cùng tham khảo:

    1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): còn được gọi là trào ngược axit, là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược trở lại vào thực quản, gây ra cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng. Bệnh thường được điều trị bằng thuốc trung hòa axit hoặc ức chế tiết axit. Nếu bệnh không được điều trị, thực quản sẽ bị tổn thương vì phải tiếp xúc với axit trong thời gian dài.

    Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

    Sơ đồ bệnh trào ngược dạ dày thực quản 

    2. Loét dạ dày tá tràng: là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả vết loét trong dạ dày hoặc tá tràng. Các triệu chứng có thể khác nhau nhưng thường bao gồm đau bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn và ợ nóng. Hầu hết, các vết loét dạ dày tá tràng đều do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra, vi khuẩn này có thể được loại bỏ bằng cách sử dụng phối hợp kháng sinh.

    3. Viêm dạ dày: là một thuật ngữ y học đề cập đến tình trạng viêm trong niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày gây ra bởi nhiều nguyên nhân, thậm chí là từ thuốc. Đôi khi, bệnh không rõ nguyên nhân, gọi là viêm dạ dày vô căn. Mặc dù viêm dạ dày không liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản, nhưng có thể biểu hiện khá giống nhau về triệu chứng. Và vì vậy, điều trị viêm dạ dày thường dùng thuốc kháng axit.

    4. Liệt dạ dày, hay còn gọi là tình trạng chậm làm rỗng dạ dày: là khi thức ăn từ dạ dày xuống ruột non một cách khá chậm chạp. Các triệu chứng của liệt dạ dày bao gồm buồn nôn, cảm giác no và muốn nôn sau khi ăn. Sử dụng thuốc, hoặc thay đổi chế độ ăn uống có thể làm giảm và kiểm soát triệu chứng liệt dạ dày.

    5. Sỏi mật: là do sự kết tinh của mật trong túi mật, dẫn đến sự hình thành những vật chất rắn hình thù lởm chởm, chặn ống dẫn mật và gây đau dữ dội ở vùng bụng trên. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ sỏi mật.

    Sỏi mật

    Sỏi mật là do sự kết tinh của mật trong túi mật

    6. Bệnh Celiac: là bệnh rối loạn tự miễn, trong đó việc tiêu thụ một lượng gluten quá mức làm cho hệ miễn dịch quay sang tấn công ruột non. Tiêu chảy là một trong những triệu chứng phổ biến hơn của bệnh. Thực hiện chế độ ăn không chứa gluten là phương pháp điều trị đầu tiên và hiệu quả nhất.

    7. Không dung nạp lactose: là tình trạng thiếu hụt enzyme cần thiết để chuyển hóa các loại đường trong sữa. Những người không dung nạp lactose thường sẽ bị tiêu chảy, đầy hơi ngay sau khi ăn các loại thực phẩm như sữa hoặc pho mát. Tránh uống sữa và sử dụng các sản phẩm từ sữa là cách hạn chế tốt nhất.

    8. Bệnh viêm ruột (IBD), bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Điều trị bệnh Crohn có thể dùng steroid hoặc thuốc ức chế miễn dịch để làm chậm sự tiến triển của bệnh. Viêm loét đại tràng có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

    9. Hội chứng ruột kích thích (IBS) được đặc trưng bởi một loạt các triệu chứng (bao gồm đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy). Điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu tập trung vào việc giảm triệu chứng.

    10. Viêm túi thừa: đặc trưng bởi sự phát triển của các túi nhỏ trong lớp niêm mạc đại tràng. Tình trạng viêm nhiễm có thể dẫn đến hàng loạt các triệu chứng, từ đau bụng dưới đến sốt, buồn nôn, ói mửa. Việc điều trị viêm thừa sẽ kết hợp giữa sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống.

    Lời khuyên cho bạn

    Nếu bạn bị đau dạ dày đột ngột và dữ dội, hãy tìm cách trung tâm y tế để được thăm khám ngay.

    Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, nếu cơn đau kèm theo sốt cao, ớn lạnh dữ dội, nôn mửa, khó thở, mờ mắt, da xanh (tím tái), buồn ngủ hoặc mất kiểm soát cơ bắp. Bởi vì đây có thể là dấu hiệu ngộ độc, cần sự can thiệp y tế ngay lập tức.

     

    Hello Bacsi

     


    Nguồn tham khảo: Causes of Stomach Problems, By Barbara Bolen, PhD -

    https://www.verywellhealth.com/stomach-problems-causes-1945283 |

     

    Ngày đăng: 12-06-2018 1,853 lượt xem
  • Bình luận (0)
  • Bình luận Facebook



    • Captcha


>