-
Duy trì khả năng vận động ở người cao tuổi sử dụng xe lăn với các thiết bị công thái học
Hiện nay, người cao tuổi nói chung và những người cao tuổi đang phải sử dụng xe lăn bằng tay để di chuyển nói riêng đang có xu hướng giảm khả năng vận động cũng như hạn chế đáng kể tính độc lập trong sinh hoạt, từ đó ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những phương pháp để cải thiện tình trạng trên cũng như gợi ý những biện pháp để kéo dài khả năng vận động, sức bền… cho đối tượng người cao tuổi thông qua các thiết bị được thiết kế “công thái học”, nhằm hướng tới một mục tiêu duy nhất là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi để họ không cảm thấy việc di chuyển là “cực hình” hay phụ thuộc nữa.
I. Những vấn đề của người cao tuổi khi sử dụng xe lăn thông thường
Theo báo cáo, dự kiến đến năm 2030, số người cao tuổi ở Mỹ sẽ tăng gấp đôi và đạt ngưỡng 71.5 triệu người. Trong khi ai cũng đều mong muốn mình sẽ được “sống lâu trăm tuổi”, sống vui sống khỏe tới già nhưng trên thực tế, tuổi thọ càng cao thì tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính và các vấn đề liên quan đến lão hóa cũng càng tăng theo, từ đó làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống. Và một trong những vấn đề đó chính là tình trạng người lớn tuổi bị “khuyết tật”, hạn chế khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày.
Theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, số người bị khuyết tật, khả năng di chuyển hạn chế chiếm khoảng 18% dân số, trong đó tỷ lệ khuyết tật của nhóm tuổi từ 65 trở lên chiếm đến 54% trong tổng số những người bị khuyết tật.
Bên cạnh đó, theo Khảo sát Phỏng vấn Y tế Quốc gia về Người khuyết tật ước tính rằng, có khoảng 1.5 triệu người ở Hoa Kỳ sử dụng xe lăn bằng tay (manual wheelchair – MWC). Đối tượng sử dụng MWC tăng mạnh theo độ tuổi (864.000 người từ 65 tuổi trở lên). Nhóm dân số này bao gồm: Những người cao tuổi đã và đang sử dụng MWC; những người bắt buộc phải dùng MWC do đột ngột bị tàn tật (tai nạn, chấn thương) hoặc do bệnh tật khởi phát dần dần, chẳng hạn như những người được chẩn đoán bị chấn thương tủy sống (SCI), đột quỵ, viêm tủy cắt ngang, viêm xương khớp, cắt cụt chi dưới, bệnh bại liệt, u tủy sống, hội chứng Guillain Barré, bệnh đa xơ cứng, bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), bại não…hay những người lớn tuổi từng đột quỵ và không thể nhờ đến gậy hoặc khung tập để di chuyển...
Có 2 trường hợp sẽ xảy ra với tất cả những người đang sử dụng MWC, đó là:
Nếu xe lăn có những tính năng và cách sử dụng phù hợp với người dùng, việc sử dụng MWC có thể tăng tính độc lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đồng thời giảm yêu cầu hỗ trợ của người chăm sóc từ đó có thể làm giảm tỷ lệ “gia nhập” vào các cơ sở chăm sóc dài hạn như bệnh viện, viện dưỡng lão…
Tuy nhiên, cũng không hiếm những trường hợp xe lăn thực sự không phù hợp với nhu cầu của cá nhân hay chức năng không tiện dụng, khiến MWC được cung cấp vốn dĩ hỗ trợ việc di chuyển nay lại khiến khả năng vận động bị hạn chế, thậm chí có thể khiến cơ thể bị đau và mệt mỏi… như giọt nước tràn ly làm cho chất lượng cuộc sống của người đang sử dụng MWC đi xuống và nhu cầu trợ giúp cá nhân tăng lên.
Bên cạnh đó, có sự khác biệt đáng kể về mức độ hài lòng trong cuộc sống giữa những người khuyết tật so với người bình thường. Cụ thể, với những người bị khuyết tật về thể chất, sự hài lòng trong cuộc sống tăng lên đến mức tối đa vào khoảng 45 – 50 tuổi và sau đó bắt đầu giảm dần. Độ tuổi này tương ứng chặt chẽ với độ tuổi thay đổi hoạt động thể chất của những người khuyết tật.
Bởi, khi con người già đi, cơ thể sẽ có những thay đổi nhất định và sự “xuống dốc” về sức khỏe là một trong số đó, và vấn đề mà người cao tuổi thường gặp nhất là giảm độ đàn hồi, dẻo dai của cơ xương, suy giảm khả năng chữa lành cơ bị thương và dễ mệt mỏi (giảm sức bền)….
Mà những thay đổi này lại có tác động lớn hơn đến sự lão hóa của những người khuyết tật. Trong một nghiên cứu trên 600 cá nhân mắc nhiều bệnh khác nhau bao gồm bại liệt, chấn thương tủy sống (SCI – spinal cord injury), bại não, viêm khớp… và các chứng suy giảm khác, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng sự kết hợp của mệt và đau mỏi đánh dấu sự bắt đầu thay đổi chức năng trong các hoạt động chính.
Đặc biệt, đối với người sử dụng MWC, mất chức năng chi dưới thường tạo gánh nặng cho vận động và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày ở chi trên. Những người sử dụng MWC cho biết, họ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và đau cơ xương ở cổ tay, vai, cổ và lưng… do nhu cầu vận động tăng lên.
Và những bệnh lý thường gặp nhất ở những người sử dụng xe lăn bằng tay phải kể đến:
1. Chi trên bị ảnh hưởng
Vai (khớp glenohumeral) của chúng ta xét về mặt cấu trúc có khả năng chịu lực khá kém. Trong quá trình đẩy xe lăn bằng tay (wheelchair propulsion – WCP), cánh tay ở góc độ nâng thấp, lúc này bao khớp lỏng lẻo và dây chằng của nó bị chùng khiến cơ vai phải cung cấp cả sự ổn định khớp và sức mạnh để đẩy về phía trước, khiến vai dễ bị mỏi.
Về lâu dài, nếu tình trạng này không được cải thiện có thể dẫn đến hội chứng viêm khớp mãn tính, viêm gân hai bên, thoái hóa gân… thậm chí là bong gân, đau vai mãn tính, suy giảm chức năng của chi trên cũng như giảm chất lượng cuộc sống.
2. Dị tật cột sống
Tuổi tác càng cao, người cao tuổi nói chung và người cao tuổi sử dụng xe lăn nói riêng phải đối mặt với tình trạng biến dạng tư thế càng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoạt động trên xe lăn của họ.
Trong đó, chứng vẹo và cong vẹo cột sống là những biến dạng cột sống phổ biến nhất do mất cân bằng cơ, loãng xương hoặc liệt và bất động. Những người bị vẹo cột sống và cong vẹo cột sống cho biết họ thường xuyên cảm thấy đau, thường ở thắt lưng (cột sống dưới) hơn là ở ngực (cột sống trên), về lâu dài tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng hít thở của phổi cũng như khả năng ăn uống.
3. Dị tật vùng xương chậu
Ở những người cao tuổi và những người ngồi trong thời gian dài thứ phát do cơ thể yếu hoặc liệt, lệch khung chậu và nghiêng khung chậu sau là hai biến dạng tư thế phổ biến nhất của khung chậu.
Lệch xương chậu được mô tả là khi xương chậu của một người gặp tình trạng bên này cao hơn bên kia, thường là do bất đối xứng về sức mạnh cơ bắp (thường thấy ở những trường hợp liệt nửa người hoặc co cứng khớp háng do thoái hóa khớp hoặc dị dưỡng). Còn tình trạng nghiêng của khung chậu góp phần làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng của phần thân, dẫn đến khả năng thăng bằng kém và bắt buộc phải sử dụng tay để nâng đỡ cột sống, ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tay của họ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày khác.
Lệch vùng chậu cũng làm tăng nguy cơ hình thành vết loét do áp lực ngồi (tì đè) không đối xứng. Và không may, tình trạng khung chậu nghiêng ra sau thường gặp ở những người cao tuổi chủ yếu ngồi trên xe lăn hoặc trên giường, ảnh hưởng không hề nhỏ đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như di chuyển và duy trì vệ sinh.
4. Loét do tì đè
Cải thiện tỷ lệ sống của người khuyết tật và dân số già là việc làm được nhiều quốc gia ưu tiên, nhưng vô tình nó lại làm tăng tỷ lệ dân số có nguy cơ bị loét tì đè. Người ta ước tính rằng ở Hoa Kỳ có 5 triệu người bị loét tì đè mãn tính, cùng với đó là khoảng 1.1 – 1. 8 triệu người phát triển thêm vết loét mới mỗi năm, chi phí tài chính và gánh nặng tinh thần rất nặng nề. Hai nhóm có nguy cơ cao nhất là người cao tuổi và những người bị chấn thương tủy sống (SCI). Và dĩ nhiên, những người sử dụng MWC cũng không thể tránh khỏi.
Những vị trí dễ bị loét do tì đè nhất khi ngồi xe lăn
5. Khả năng hoạt động thể chất và tập thể dục
Phần lớn những người sử dụng MWC để di chuyển, đặc biệt là người lớn tuổi không đáp ứng được mức hoạt động thể chất (PA) khuyến nghị cho sức khỏe và phòng bệnh. Và hậu quả của tình trạng này không ngoài dự đoán là nó dẫn đến các biến chứng đáng lo ngại, chẳng hạn như loét tì đè, béo phì, tiểu đường, loãng xương, các vấn đề về tim mạch…
Vậy nên các chuyên gia khuyên người sử dụng MWC nên tham gia các hoạt động thể dục và thể thao liên quan chi trên bởi nó vừa có thể phòng những bệnh trên lại vừa có thể khắc phục tình trạng đau vai mãn tính và các rối loạn chức năng cơ thể liên quan.
II. Lợi ích và tác động của các thiết bị công thái học
1. Giảm thiểu tần suất lặp đi lặp lại các nhiệm vụ chi trên, từ đó giảm lực cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ
Với những trường hợp người cao tuổi phải sử dụng xe lăn bằng tay để di chuyển, khi được kết hợp với các thiết bị công thái học có thể giúp giảm thiểu tần suất lặp đi lặp lại các hoạt động của chi trên, nhờ đó giảm lực cần thiết để di chuyển hiệu quả.
Theo đó, dựa trên các tài liệu về công thái học hiện tại cho biết, việc lặp đi lặp lại hành động như dùng tay đẩy bánh xe lăn để di chuyển, nâng vật nặng, lên/xuống xe lăn… đòi hỏi phải dùng lực phần chi trên nhiều hơn được coi là nguyên nhân hàng đầu làm tăng các chấn thương/cơn đau tại vùng cơ thể này, đặc biệt là cánh tay, sống lưng, vai… Đối với người già và người lớn tuổi sức khỏe yếu, việc di chuyển bằng xe lăn thông thường vốn dĩ đã khó khăn nên khi phải thực hiện các hành động trên quả thực là vấn đề lớn đáng lưu tâm.
Lựa chọn xe lăn có trọng lượng nhẹ giúp người lớn tuổi phải sử dụng xe lăn dễ dàng di chuyển hơn
Cách giải quyết trong trường hợp này thực chất không khó như chúng ta nghĩ, nhất là khi áp dụng yếu tố công thái học vào trong các thiết bị hỗ trợ hay chính chiếc xe lăn đó. Nó được thể hiện qua:
Lựa chọn, sử dụng thiết bị có kích thước phù hợp, sử dụng xe lăn có trọng lượng nhẹ hơn giúp giảm thiểu tần suất lặp đi lặp lại những hành động mất nhiều sức lực.
“Cá nhân hóa” những tính năng của xe lăn để tối ưu hóa giao diện cho người dùng xe lăn, ví dụ như điều chỉnh ghế ngồi, góc quay lưng, chiều cao ghế tựa lưng, vị trí đặt bánh sau để thúc đẩy tư thế và cân bằng chức năng nhất, tích hợp tính năng tự động hóa khi di chuyển ở thang máy, cầu thang bộ…
Nhờ áp dụng yếu tố công thái học trên thiết kế xe lăn, giúp cho tần suất phải thực hiện các nhiệm vụ của chi trên được giảm xuống, từ đó có thể giúp ngăn ngừa chấn thương hiệu quả, đặc biệt là ở những người cao tuổi, già yếu phải sử dụng MWC.
2. Giảm thiểu các vị trí cực đoan hoặc có khả năng gây thương tích ở vai
Để di chuyển xe lăn bằng tay, phương pháp cổ điển nhất chính là dùng tay, thực hiện các hành động gập/duỗi để tác động vào bánh lăn, từ đó giúp xe lăn tiến/lùi như mong muốn, nhưng với những hành động cụ thể như xoay xe chẳng hạn, lại rất dễ khiến vai bị tổn thương.
Vì thế, người sử dụng xe lăn bằng tay được khuyến nghị giảm thiểu việc xoay cũng như chuyển hướng bánh xe trong quá trình WCP thông qua việc lựa chọn thiết bị phù hợp (xe lăn có thể điều chỉnh), xe lăn có kích thước phù hợp với cá nhân và tư thế ngồi thẳng tốt hơn để cải thiện cơ vai.
Bên cạnh đó, các hành động di chuyển khác có nguy cơ tác động tiêu cực đến vai cũng nên được giảm bớt thông qua cơ chế chuyển vận tối ưu và sử dụng công nghệ hỗ trợ, chẳng hạn như bảng chuyển trượt và thang máy cơ học.
III. Cách lựa chọn xe lăn và thiết bị
Đề xuất một chiếc xe lăn bằng tay có thể tùy chỉnh kết hợp sử dụng bánh xe và lốp có lực cản lăn ít nhất
Xe lăn bằng tay thường được nhóm thành ba loại: Khung tiêu chuẩn ( 35 lbs – khoảng gần 16kg trở lên), khung nhẹ tiêu chuẩn bán điều chỉnh (30 đến 35 lbs – tương đương 13 – 15kg) và khung siêu nhẹ có thể điều chỉnh (dưới 30 lbs – tương đương dưới 13kg).
Khung có thể điều chỉnh thường cung cấp nhiều tùy chỉnh hơn về chiều rộng, chiều sâu, chiều cao của ghế giúp cải thiện tư thế của người dùng khi ngồi xe lăn. Khả năng điều chỉnh trong khung cho phép thấp hơn chiều cao sàn của ghế đối với chân vịt (phần đặt chân của xe lăn) và cho phép bánh sau có thể đưa lên phía trước để giảm nhu cầu về vai cho những người chủ yếu sử dụng cánh tay của họ để tự đẩy.
Lựa chọn xe lăn làm bằng chất liệu cao cấp, nhẹ và bền hơn giúp người dùng thoải mái cũng như hạn chế tối đa mệt mỏi
Cùng với đó, nên chọn loại xe lăn có phần ghế được làm bằng chất liệu cao cấp, bền hơn và nhẹ hơn vì nó sẽ yêu cầu lực đẩy ít hơn, giúp người dùng thoải mái hơn trong quá trình sử dụng cũng như hạn chế tối đa tình trạng mệt mỏi, chấn thương.
Ngoài ra, việc sử dụng bánh xe và lốp giảm thiểu lực cản lăn sẽ giảm thiểu lực trong quá trình WCP. Trong một cuộc so sánh giữa các chiếc xe lăn có trọng lượng khác nhau, đẩy một chiếc xe lăn có trọng lượng nhẹ hơn đã được chứng minh là hiệu quả hơn việc đẩy một chiếc xe lăn tiêu chuẩn. Theo đó, mức năng lượng tiêu hao để đẩy chiếc ghế nhẹ ở một vận tốc cụ thể ít hơn 17% so với tiêu chuẩn của xe lăn không điều chỉnh được.
Có thể thấy, sử dụng xe lăn hạng nhẹ giúp hiệu suất di chuyển tăng lên, nguyên nhân của sự thay đổi tích cực này đến từ sự khác biệt trong việc cá nhân hóa cấu hình xe lăn ngoài tổng khối lượng của thiết bị. Xe lăn có thể điều chỉnh với vị trí trục sau khác nhau, độ nghiêng của bánh xe, góc ngồi, độ nghiêng của ghế và chiều cao lưng… tất cả đều được “cá nhân hóa” – là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thoải mái khi sử dụng MWC.
Để nghiên cứu rõ hơn về quan điểm trên, Cowan và cộng sự đã kiểm tra tác động của loại bề mặt, trọng lượng xe lăn và vị trí trục sau đối với cơ sinh học lực đẩy của người lớn tuổi. Họ kết luận rằng sức cản bề mặt tăng lên làm giảm vận tốc và tăng lực đỉnh WCP. Trọng lượng tăng (xe lăn, ghế ngồi và người dùng) làm giảm vận tốc và tăng lực WCP. Vị trí trục trước được phát hiện làm giảm lực WCP. Đồng thời họ cũng phát hiện rằng sự giảm lực lớn nhất của lực đỉnh WCP xảy ra ở những chiếc ghế nhẹ hơn có vị trí trục trước.
Cùng với đó, Beekman và cộng sự đã xác định mức tiêu hao năng lượng của WCP ở những người bị SCI, so sánh động cơ tự chọn trong 20 phút trên đường chạy ngoài trời bằng xe lăn siêu nhẹ theo nhóm – những người bị liệt nửa người (44 người) và có triệu chứng liệt nửa người (33 người). Tốc độ, quãng đường di chuyển và năng lượng (VO2 = mL/kg/m) được so sánh theo xe lăn, nhóm và theo thời gian. Kết quả, ở những chiếc xe lăn siêu nhẹ so với những chiếc ghế nặng hơn, tốc độ và quãng đường di chuyển đều cải thiện hơn đối với cả những người tham gia bị liệt nửa người.
Ngoài ra, Sawatzky và cộng sự cũng đã tiến hành một thí nghiệm gần tương tự khi so sánh sự khác biệt về lực cản lăn của năm loại lốp xe lăn thường được sử dụng (ba khí nén và hai đặc) dưới bốn áp suất lốp khác nhau (100, 75, 50 và 25). Kết quả, tiêu hao năng lượng được đo trong quá trình đẩy xe lăn cho thấy sự xì hơi của lốp làm tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng ở mức 50%.
IV. Tối ưu hóa giao diện Người dùng – xe lăn cho lực đẩy và chức năng
1. Xe lăn có thể thiết lập cấu hình tùy chỉnh
Bằng cách cung cấp lực đẩy MWC phù hợp nhất cho từng cá nhân, xe lăn được thiết kế với cấu hình tùy chỉnh giúp tiết kiệm năng lượng tiêu hao (giảm mệt mỏi), ngăn ngừa loét do tì đè và hạn chế hoạt động của chi trên giúp tránh những chấn thương không mong muốn. Cùng với đó, khung xe lăn có thể điều chỉnh và được định cấu hình riêng có thể giải quyết các biến dạng tư thế như nghiêng và vẹo xương chậu sau, mở rộng hông thúc đẩy tư thế cúi xuống và giúp mở rộng tầm với của chi trên cũng như tư thế của đầu một cách hiệu quả.
Nếu như khung tiêu chuẩn không thể điều chỉnh vị trí đặt bánh xe cũng như điều chỉnh chiều cao của ghế so với sàn hoặc góc của ghế so với mặt sau, đồng thời chỗ ngồi bị hạn chế, không có khả năng ngăn ngừa các dị tật tư thế. Người sử dụng xe lăn đẩy bằng chân cần một khung có thể điều chỉnh độ dốc của ghế hoặc chiều cao của ghế để cho phép đặt chân bằng phẳng trên mặt đất.
Trong khi đó, một số khung xe lăn có khả năng điều chỉnh trục để di chuyển bánh sau về phía trước hoặc lên/xuống nhằm tạo lực đẩy phía trên, đồng thời cũng có khả năng nhất định trong điều chỉnh độ dốc của ghế để thay đổi vị trí của cơ thể trong từng hoàn cảnh nhất định. Độ dốc của ghế hoặc góc nghiêng về phía sau của ghế ở vị trí mà hông thấp hơn đầu gối giúp ngăn hông không trượt về phía trước trên ghế hoặc nghiêng ghế về góc sau để phù hợp với tư thế đầu hơi hướng về phía trước, do đó cải thiện tư thế đầu tối ưu nhất. Đây được cho là thiết kế “vì người dùng” mà bất kì người dùng xe lăn nào cũng nên lựa chọn chiếc xe như thế.
Xe lăn có thể tùy chỉnh chức năng là lựa chọn tối ưu cho người lớn tuổi di chuyển dễ dàng
Không chỉ có vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng góc ngồi từ ghế ra sau nhỏ hơn mặc dù có thể cải thiện sự ổn định của khung xương chậu nhưng nó lại gây ra những khó khăn cho việc di chuyển. Nếu trường hợp người dùng xe lăn phải thường xuyên di chuyển và sinh hoạt độc lập trong gia đình hoặc cộng đồng, đang trải qua những tác động của lão hóa… thì một chiếc xe lăn có trọng lượng nhẹ và khung xe lăn có thể điều chỉnh, được tùy chỉnh riêng để tối đa hóa chức năng có thể giúp họ cảm thấy thật sự thoải mái trên chỗ ngồi của họ.
Bên cạnh đó, không hiếm những nghiên cứu và kinh nghiệm đã chỉ ra rằng một chiếc xe lăn không phù hợp với cá nhân sẽ làm ảnh hưởng xấu đến các hoạt động, mục tiêu lối sống, tình trạng sức khỏe… không những thế nó còn gây lãng phí cả tiền bạc lẫn sức khỏe.
Cụ thể, trong một đánh giá có hệ thống về tài liệu dành cho những người bị Đa xơ cứng (Multiple Sclerosis – MS) và công nghệ hỗ trợ di chuyển (mobility assistive technology – MAT), có đến 60% người mắc MS báo cáo rằng MAT phổ biến nhất mà họ dùng chính là xe lăn bằng tay. Tuy nhiên, chất lượng của các thiết bị hỗ trợ di chuyển được khuyến nghị cho những người bị MS có tỷ lệ cho phép tùy chỉnh vì người dùng thấp hơn (ví dụ như nặng hơn, các lựa chọn hạn chế…) so với chất lượng của các thiết bị dành cho những người bị SCI.
Lý giải cho việc này, các bác sĩ sau khi dự đoán lâm sàng đã kết luận rằng căn bệnh này có sự tiến triển chậm hơn so với SCI, và họ coi việc sử dụng xe lăn bằng tay như một bước trung gian trong quá trình tiến triển của bệnh MS, nếu bệnh tiến triển nặng hơn mới cân nhắc đến việc sử dụng thiết bị điện để di chuyển.
Trớ trêu hơn là, nhiều trường hợp được chẩn đoán MS ở giai đoạn sớm lựa chọn một chiếc xe lăn bằng tay để giảm bớt mệt mỏi hàng ngày, có thể họ là những người sử dụng xe lăn từ trước hoặc chỉ dùng tới xe lăn khi được chẩn đoán mắc MS, đó là lý do mà họ sử dụng một chiếc xe lăn với các lựa chọn hạn chế. Nhưng thực tế chiếc xe lăn đó lại khiến họ thêm phần mệt mỏi, áp lực.
Để hiểu sâu hơn về trường hợp này, Perks và cộng sự đã nghiên cứu và báo cáo rằng độ tuổi trung bình của những người sử dụng xe lăn sau khi chẩn đoán mắc MS được khảo sát là 48 tuổi. Song song với đó, 59% người được chỉ định dùng xe lăn sau khi được chẩn đoán MS cảm thấy rằng chiếc xe lăn của họ không đáp ứng được yêu cầu khiến bản thân họ gặp khó khăn khi di chuyển trong các môi trường khác nhau. Cụ thể là tốc độ di chuyển thấp hơn, yêu cầu năng lượng cao hơn để đẩy xe di chuyển, dễ mệt mỏi… so với nhóm đối chứng gồm những người mắc chứng SCI và một nhóm người không bị khuyết tật.
Không chỉ riêng những trường hợp mắc MS gặp vấn đề khi sử dụng xe lăn bằng tay mà cả những trường hợp mất thăng bằng, chấn thương não, bệnh Parkinson, cơ thể yếu hoặc suy nhược… cũng chia sẻ rằng chiếc xe lăn mà họ được cung cấp không đáp ứng nhu cầu di chuyển của họ. Do đó, điều quan trọng là MWC của người đó phải được định cấu hình tốt nhất để ổn định tư thế ngồi và động cơ đẩy hiệu quả, tạo điều kiện vận động và thực hiện các chức năng một cách đơn giản, hiệu quả nhất.
2. Thúc đẩy tư thế ngồi thích hợp và sự ổn định liên quan đến nhu cầu cân bằng và ổn định
Trong quá trình thực hiện các công việc hàng ngày, việc điều chỉnh tư thế ngồi được thực hiện liên tục để duy trì sự cân bằng khi ngồi, thể hiện mối liên hệ không thể tách rời giữa tư thế ngồi và chức năng. Tư thế ngồi và sự cân bằng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm tuổi tác, loại khuyết tật, loại hoạt động và tình trạng sẵn có. Đối với người dùng MWC, chỗ ngồi và hỗ trợ tư thế có thể ảnh hưởng đến cả WCP.
Theo đó, trong một nghiên cứu có tên Effect of seat cushion on dynamic stability in sitting during a reaching task in wheelchair users with paraplegia (tạm dịch: Ảnh hưởng của đệm ngồi đối với sự ổn định tư thế ngồi khi làm việc với người ngồi trên xe lăn bị liệt nửa người) được thực hiện vào năm 2001 đã chứng minh rằng, việc sử dụng một tấm đệm có đế góp phần cải thiện sự ổn định của khung chậu và tầm với của chi trên, đặc biệt là phần tay.
Cùng với đó, một nghiên cứu khác có chủ đề Effect of Wheelchair Design on Posture and Comfort of Users (Ảnh hưởng của thiết kế xe lăn đến tư thế và sự thoải mái của người sử dụng) đã đánh giá tác động của thiết kế xe lăn và sự thoải mái ở 58 đối tượng thử nghiệm và thấy rằng xe lăn thông thường với võng mềm hoặc ghế địu góp phần khiến người dùng bị đau thắt lưng, tình trạng này gặp ở cả người không khuyết tật và người khuyết tật (Hình 1a).
Hình 1
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng kiểm soát tư thế là yếu tố quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa và điều trị đau vai. Quan điểm này cũng cho rằng khung xương chậu trước tiên nên được ổn định bằng cách sử dụng đệm được gắn trên bề mặt chắc chắn để hỗ trợ tư thế cũng như phân phối áp lực tối ưu, từ đó tạo sự thoải mái nhất có thể. (Hình 1b)
Để hiểu rõ hơn, bài đăng trên Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ có tên Chairs for the elderly-design considerations đã nghiên cứu ghế ngồi của người lớn tuổi đang sử dụng xe lăn và đưa ra các khuyến nghị, dáng ngồi chuẩn là ở tư thế ngồi thẳng, đầu và cổ sẽ thẳng đứng với hông nghiêng 100 độ, đầu gối gập 90 độ và bàn chân đặt trên sàn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phân tích nhu cầu ghế ngồi của 46 người cao tuổi đang phải sử dụng xe lăn bằng cách sử dụng đĩa chịu lực và phân tích băng video cũng như đề xuất độ nghiêng về phía sau 9 độ của ghế. Độ nghiêng của ghế giúp duy trì phần ụ ngồi (ischium – là vùng giữa cơ mông) ở phía sau của ghế bằng cách chặn khung xương chậu trượt về phía trước, tạo nên cấu hình ổn định khung chậu này kết hợp kiểm soát, hỗ trợ lưng, đệm và đai định vị xương chậu trước, hỗ trợ tư thế thụ động cho xương chậu và thân dưới, đồng thời cho phép duy trì vị trí tăng độ cứng cáp ngay cả khi bị liệt cơ.
Hệ thống ghế ngồi dành cho xe lăn đặc biệt đã được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng để cải thiện tư thế ngồi của những người bị dị tật cột sống, không thể ngồi mà không cần hỗ trợ và có thể ngăn ngừa sự tiến triển của dị tật tư thế.
Một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2011 cũng xác định rằng, can thiệp tới xe lăn có tương quan đáng kể với sự cải thiện về độ nghiêng đầu trước và sau hay nhìn ngang khi ngồi trên xe lăn .
Và cuối cùng, có nhiều loại ghế ngồi đặc biệt với các thành phần khác nhau được quy định cho các nhu cầu khác nhau. Đối với những người bị cong vẹo cột sống, chỗ ngồi hỗ trợ thân bên và hông cung cấp hệ thống hỗ trợ ba điểm cần thiết để cân bằng phần thân, ngăn ngừa tình trạng xẹp cột sống.
2.1. Giảm thiểu khoảng cách và chướng ngại vật giữa xe lăn và địa điểm chuyển xe trước khi di chuyển
Độc lập di chuyển được biết đến là một trong những hoạt động “vất vả nhất” liên quan đến xe lăn và được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau cũng như các chấn thương phần chi trên.
Nhà khoa học Koontz và cộng sự đã thực hiện một đánh giá để làm sáng tỏ hơn quan điểm trên bằng các phân tích tài liệu kết hợp lấy ý kiến chuyên gia về mức độ và bằng chứng liên quan đến việc thiết lập và thực hiện di chuyển từ xe lăn qua một vật thể khác (giường, ghế,…). Các khía cạnh mà chuyên gia cảm thấy đã được giải quyết ở một mức độ nào đó bao gồm dịch chuyển theo phương thẳng đứng và dịch chuyển qua một khoảng trống. Các nghiên cứu cùng đồng ý rằng việc chuyển lên bề mặt cao hơn có nghĩa là chi trên phải gắng sức nhiều hơn.
Điều đó có nghĩa là đối với những người cao tuổi phải sử dụng xe lăn mà sức khỏe đã rất yếu, khả năng giữ thăng bằng khi ngồi trên xe kém, khi di chuyển giữa các điểm nghỉ (thường là xe lăn tới giường nằm hoặc ghế) nên có sự hỗ trợ từ người khác. Nếu phải thực hiện một dịch chuyển phụ thuộc, cần được hỗ trợ nâng đỡ theo phương ngang và giữ khoảng cách tối thiểu giữa xe lăn và vị trí chuyển để giảm thiểu tải trọng lên cột sống hay thắt lưng của người nâng.
2.2. Đào tạo Kỹ năng sử dụng xe lăn tay (MWC)
Không chỉ xe lăn hoặc chỗ ngồi không phù hợp ảnh hưởng đến việc sử dụng xe lăn, ảnh hưởng đến tính độc lập mà sự thiếu tự tin hay thiếu rèn luyện cũng dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả. Do đó, các chiến lược điều trị tạo điều kiện cho việc sử dụng xe lăn hiệu quả ngày càng quan trọng. Điều này đặc biệt đúng đối với những người lớn tuổi được báo cáo là thường xuyên bị phụ thuộc khi sử dụng xe lăn.
Vậy nên để giúp cá nhân sử dụng xe lăn một cách hiệu quả, họ phải có nhiều kỹ năng sử dụng xe lăn hơn hiện tại, và cách đơn giản nhất chính là tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng MWC.
2.3. Tập thể dục linh hoạt và sức đề kháng
Kết hợp các bài tập về tính linh hoạt, (sức bền) và rèn luyện sức đề kháng giúp quá trình MWC hiệu quả hơn. Đồng thời, việc tập luyện nên được cá nhân hóa và có cường độ hợp lý để tăng cường sức mạnh và độ bền của cơ bắp, đồng thời phải cung cấp sự kích thích để tập toàn bộ các nhóm cơ chính để không bị đau mỏi.
V. Kết luận
Hầu hết mọi người đều có sự thay đổi nhất định, đặc biệt là trong lối sống, sinh hoạt khi già đi vì năng lực thể chất giảm sút. Đau mỏi và các tình trạng thứ phát liên quan đến tuổi già, lão hóa với khuyết tật càng làm tăng tốc sự thay đổi đó – nhưng là theo hướng tiêu cực, dẫn đến suy giảm khả năng vận động, giảm khả năng tham gia vào các vai trò xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ…
Người cao tuổi và/hoặc người già bị khuyết tật có tác động đáng kể đến việc sử dụng MWC. Đã có rất nhiều nghiên cứu ghi lại nhu cầu đối với các cơ ở chi trên, năng lượng tiêu hao cũng như ảnh hưởng của tư thế ngồi đối với chức năng và khả năng vận động. Những nghiên cứu này đã được sử dụng để phát triển các khuyến nghị dựa trên bằng chứng giúp giảm thiểu cơn đau và những chấn thương không đáng có xảy ra trong quá trình sử dụng MWC.
Và mặc dù rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác động tích cực của việc cung cấp xe lăn có thể tùy chỉnh đối với mức độ hoạt động chức năng, cải thiện tư thế ngồi, tăng khả năng di chuyển độc lập và tăng chất lượng cuộc sống của người sử dụng MWC, người cao tuổi sống trong các cơ sở y tế, viện dưỡng lão so với xe lăn không đạt tiêu chuẩn và không thể điều chỉnh.
Tuy nhiên, thông thường những người cao tuổi và người già ở những nơi này sẽ được chuyển sang sử dụng xe lăn tiêu chuẩn không điều chỉnh được. Hậu quả của việc này có thể gây ra suy giảm chức năng nhanh chóng, đau và mệt mỏi do tư thế sai, tăng nhu cầu hỗ trợ của người chăm sóc hoặc các thiết bị di chuyển thay thế, chẳng hạn như xe tay ga hoặc xe lăn bằng điện.
Nguồn: yhocthuongthuc.vnNgày đăng: 18-12-2022 462 lượt xem