• Phòng ngừa viêm lợi

    Lợi (nướu) là hàng rào bảo vệ ngoài cùng của tổ chức quanh răng chống lại vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn và các sang chấn.

    Nguyên nhân gây viêm lợi

     Lợi bình thường săn chắc, có màu hồng nhạt. Lợi thường chuyển màu sắc khi ảnh hưởng bởi vi khuẩn viêm nhiễm bên ngoài. Nguyên nhân gây viêm lợi chủ yếu là do mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Khi các mảng bám không được thường xuyên làm sạch, vi khuẩn sẽ tấn công đến tận chân răng và sản sinh tại đó các enzym có khả năng phá huỷ sự liên kết của các biểu mô (nối lợi và răng) và gây ra viêm lợi.
     Ngoài nguyên nhân chủ yếu là vệ sinh răng miệng kém, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ viêm lợi như: dinh dưỡng kém, hút thuốc lá, uống rượu, thường xuyên ăn thức ăn quá mềm; mắc bệnh đái tháo đường, nhiễm HIV/AIDS; nội tiết thay đổi như phụ nữ mang thai, đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc sử dụng thuốc tránh thai; giảm tiết nước bọt (nguyên nhân là do tuổi tác, dùng các loại thuốc chống trầm cảm, lợi niệu, histamin... hoặc các bệnh làm giảm việc tăng tiết nước bọt…).
     Lợi bị viêm sẽ có biểu hiện sưng đỏ (hoặc đỏ thẫm, hoặc tím thẫm), lợi sưng lớn hơn bình thường, dễ chảy máu, nhất là khi đánh răng, người bệnh có cảm giác đau hoặc ngứa căng lợi răng kèm theo hơi thở có mùi hôi.
     Nếu không được điều trị, lợi sẽ bị tụt xuống làm cho chân răng lộ ra ngoài, dần phá hủy hàm và các mô liên kết, răng không còn chỗ bám, sẽ trở nên lỏng lẻo và rụng. Viêm lợi trong thời gian dài gây ra bệnh viêm nướu răng, lan đến các mô cơ và xương, có thể gây mất răng. Viêm lợi cũng có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của con người như làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, viêm phổi…


    Đánh răng ngay sau bữa ăn để phòng ngừa viêm lợi.

    Phòng ngừa viêm lợi

    - Cách tốt nhất chính là việc chăm sóc sức khỏe răng miệng hằng ngày. Chải răng đúng cách và thay bàn chải sau 3-4 tháng một lần. Đánh răng  ngay sau khi ăn, hoặc ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.
    - Súc miệng hàng ngày với nước ấm pha muối loãng hay các loại nước súc miệng sát khuẩn giúp cho răng miệng được sạch sẽ, có mùi thơm.
    - Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và làm sạch răng và hạn chế dùng tăm để tránh chảy máu lợi, hỏng men răng.
    - Súc miệng và uống nước sau khi ăn, nhất là sau khi ăn đồ ngọt.
    - Không hút thuốc lá và uống rượu.
    - Không ăn nhiều đồ ăn ngọt, nước giải khát có đường, thức ăn cay nóng, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, để tránh làm tổn thương men răng và lợi. Nên ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh.
    - 6 tháng một lần đến nha sĩ để khám răng và lấy sạch cao răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được.

     Nếu có biểu hiện viêm lợi, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay. Các bác sĩ với các thiết bị chuyên dụng sẽ giúp loại bỏ nguyên nhân gây viêm lợi là mảng bám răng và cao răng; đồng thời, hướng dẫn cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám răng.
    Trường hợp bị nặng, chảy máu lợi nhiều, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc kháng sinh. Cần phải vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng đều đặn, kỹ lưỡng hàng ngày sau mỗi bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ một cách tích cực, thường xuyên hơn nhằm phòng tránh được sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra, nên cung cấp lượng vitamin C cho cơ thể thông qua thức ăn và trái cây.


    Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

    Ngày đăng: 15-11-2017 1,052 lượt xem
  • Bình luận (0)
  • Bình luận Facebook



    • Captcha