-
Nguy cơ từ hội chứng Covid-19 kéo dài
Một số người vẫn phải vật lộn với các triệu chứng Covid-19 nhiều tháng sau khi mắc bệnh, gây ảnh hưởng đến hệ thống y tế và nền kinh tế.
Ở một số bệnh nhân Covid-19, sau khi xét nghiệm âm tính với Sars-CoV-2 vẫn còn gặp các triệu chứng của căn bệnh này. Đây được gọi là hội chứng Covid-19 kéo dài và có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới.
Một nghiên cứu mang tên REACT-2 do Đại học Hoàng gia London (Anh) thực hiện, cho thấy có hơn 2 triệu người ở Anh có thể đang mắc hội chứng Covid-19 kéo dài.
Hội thảo do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tổ chức tháng 12/2020 cũng đưa ra số liệu 10 - 30% người mắc Covid-19 tại nước này có thể phải tiếp tục vật lộn với các triệu chứng Covid-19 lâu hơn người khác, theo The Washington Post.
Các triệu chứng Covid-19 vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong cơ thể sau nhiều tháng nhiễm bệnh.
Ở Anh, hội chứng Covid-19 kéo dài được định nghĩa là các triệu chứng duy trì trong hơn 12 tháng hoặc nhiều tháng sau khi phát bệnh và không thể giải thích bằng nguyên nhân khác. Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, đau ngực, trí nhớ kém, khó tập trung và đau khớp,...
Nghiên cứu gần đây của Đại học London xác nhận có hơn 200 triệu chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan trong cơ thể liên quan đến hội chứng Covid-19 kéo dài. Bao gồm ảo giác, mất ngủ, thay đổi thính giác và thị lực, các vấn đề về dạ dày, ruột, bàng quang, kinh nguyệt và da.
Chuyên viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Với những triệu chứng trên, cuộc sống của người mắc Covid-19 kéo dài bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 22% người tham gia khảo sát của Đại học London cho biết họ không thể làm việc (do bị sa thải, nghỉ ốm hoặc bỏ việc) vì Covid-19 kéo dài. 45% người trong nghiên cứu phải giảm bớt lịch trình làm việc của mình.
Khả năng lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế bệnh nhân mà còn của gia đình và xã hội. Ngoài ra, một số người thậm chí không thể làm các công việc thường ngày như tắm hay mua sắm, theo BBC.
Triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người bệnh.
Theo REACT-2, đối tượng có nguy cơ cao bị Covid-19 kéo dài là phụ nữ, người hút thuốc lá, thừa cân, béo phì, sống ở khu vực thiếu thốn và từng nhập viện vì Covid-19. Bên cạnh đó, cứ tăng 10 tuổi thì sẽ tăng thêm 3.5% nguy cơ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người trẻ thoát khỏi nguy cơ Covid-19 kéo dài. Khoảng 1/4 trẻ em xuất viện sau khi mắc Covid-19 vẫn có các triệu chứng 5 tháng sau đó, tạp chí Nature dẫn lại một nghiên cứu ở Nga cho thấy.
Hiện các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến Covid-19 kéo dài. Giả thuyết đầu tiên là virus khiến hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khiến cơ thể quay ngược tự tấn công các tế bào của chính mình. Đó là trường hợp đối với những người có phản ứng miễn dịch mạnh. Một giả thiết khác là Sars-CoV-2 không bị loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể, dẫn đến phản ứng viêm mãn tính.
50% bệnh nhân cảm thấy triệu chứng được cải thiện sau khi tiêm vắc xin Covid-19.
Giới khoa học cũng chưa tìm được cách để điều trị tình trạng này. Tuy nhiên, theo BBC cho biết, có khoảng 50% bệnh nhân cảm thấy triệu chứng được cải thiện sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Tác dụng kéo dài của vắc xin Covid-19 vẫn cần được nghiên cứu thêm nhưng rõ ràng, việc chủng ngừa có thể tránh mắc Covid-19 ngay từ ban đầu.
Nhận thấy Covid-19 có thể gây ra những tác động kéo dài đối với người mắc phải, các chính phủ đang tăng cường chi tiền để giải quyết vấn đề này. Reuters ngày 18.7 đưa tin Anh sẽ chi 27,54 triệu USD để hỗ trợ 15 nghiên cứu mới về điều trị và chẩn đoán Covid-19 kéo dài. NIH của Mỹ vào đầu năm nay cũng công bố sáng kiến nghiên cứu Covid-19 kéo dài với nguồn tài trợ 1,15 tỉ USD.
Nguồn tham khảo: thanhnien.vn
Ngày đăng: 20-09-2021 508 lượt xem