-
“Vihelm” – Mũ cách ly di dộng của Việt Nam đạt chứng nhận FDA Hoa kỳ
Ham học hỏi, giàu ý tưởng và đầy nhiệt huyết là Đỗ Trọng Minh Đức, 17 tuổi, “đội trưởng” nhóm sáng chế “mũ cách ly di động” Vihelm. Sản phẩm đã giành giải vàng Cuộc thi đổi mới sáng tạo quốc tế lần thứ năm tại Canada (iCAN 2020), sau đó được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST 2020.
Sản xuất mũ cách ly di động Vihelm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ý tưởng từ “Tại sao không”?
Đại dịch Covid-19 chính là sắc trầm lớn nhất trong bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2020. Dù nhỏ tuổi, nhưng đó cũng là điều mà Minh Đức, học sinh Trường Montverde Academy, bang Florida (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An (14 tuổi), học sinh Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy và Nguyễn Hoàng Phúc (13 tuổi), học sinh Trường quốc tế Pháp LFAY Hà Nội, đều nhận thức được rõ ràng. Trước khi về Việt Nam, Minh Đức đã được chứng kiến thực tế tại Mỹ, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nhất thế giới. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lây lan trong giai đoạn đầu của đại dịch là người dân Mỹ không có thói quen đeo khẩu trang. Ý tưởng về một thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) mới có thể khắc phục những bất tiện, khó chịu khi đeo khẩu trang của Đức bắt đầu nhen nhóm từ đây.
“Ngay cả ở một quốc gia hàng đầu về công nghệ chế tạo PPE như Mỹ, các công ty lớn và lâu đời, tiêu biểu như 3M cũng chỉ có những sản phẩm tập trung chủ yếu vào tiêu chuẩn y tế. Vậy tại sao không phải là một thiết bị kết hợp được giữa tiêu chuẩn y tế và sự thoải mái, tiện lợi cho người dùng?”, Minh Đức chia sẻ.
Tại Việt Nam, các thiết bị PPE phổ biến nhất là khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế. Chúng bảo đảm các tiêu chuẩn phòng dịch, nhưng sự bất tiện của các PPE này là không nhỏ. Chưa kể đa số đều là các sản phẩm có giá trị tái sử dụng thấp, tốn kém tài nguyên sản xuất và tạo ra lượng lớn rác thải y tế. Bởi vậy, nhân tham gia cuộc thi iCAN 2020, ba bạn trẻ đã nhất trí ý tưởng chế tạo Vihelm, một sản phẩm tích hợp có thể sản xuất đại trà, vừa phù hợp nhu cầu cơ bản cá nhân mà vẫn bảo đảm an toàn dịch tễ.
Nhóm ba bạn Minh Đức, Khánh An và Hoàng Phúc (từ trái sang) thảo luận về mũ Vihelm. Ảnh nhân vật cung cấp.
Sáng tạo từ nhu cầu thực tế
“Vihelm” là lấy tên viết tắt tiếng Anh, trong đó “Vi” là “Việt Nam” còn “helm” là “mũ”, theo đó sáng chế này mang ý nghĩa là “Mũ chống dịch của Việt Nam”. Vihelm gồm ba phần chính, lớn nhất là mũ bảo hộ che kín khuôn mặt và đường hô hấp, không khí được bơm liên tục qua bộ phận thứ hai là bộ lọc có màng ngăn virus lây lan xuyên qua mũ. Bộ phận thứ ba là một hệ thống quạt làm thoáng khí, giải quyết hoàn toàn vấn đề đọng hơi nước bên trong, không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội. Điều đặc biệt rất “con người” của sáng tạo này chính là việc tích hợp các chức năng như găng tay bằng chất liệu đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt; hoặc gãi đầu bằng sáu lỗ trên đỉnh mũ; thậm chí người dùng vừa ăn uống được mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.
Từ Vihelm phiên bản đầu được giải thưởng quốc tế, nhóm liên tục hoàn thiện và đã cho ra đời ba phiên bản nối tiếp. Tới phiên bản thứ tư, nhóm đã thu gọn, các bộ phận chính được cải tiến như quạt điều hòa không khí đã được trang bị pin mới có thời lượng dài hơn, thay găng tay silicon ban đầu bằng vật liệu vải sạch ngăn virus mà vẫn thông thoáng, gắn thêm thiết bị lọc khuẩn và virus băng tia UV… Khánh An hào hứng cho biết thêm: “Trong tương lai, nhóm mong muốn phát triển Vihelm trở thành chiếc mũ thông minh vừa phòng bệnh, vừa bảo vệ người dùng, vừa có thể kết nối dữ liệu”.
Những nỗ lực của nhóm đã nhận được sự công nhận xứng đáng khi mũ Vihelm đáp ứng các chỉ tiêu đánh giá hiệu suất lọc các hạt kích thước nhỏ, nồng độ CO₂, nhiệt độ, độ ẩm do Phòng Thí nghiệm trọng điểm vật liệu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Kết quả cho thấy hiệu suất lọc bụi PM 2.5 trong một thử nghiệm đã lên tới 100% trong 40 lần đo khác nhau; nồng độ CO₂ trong mũ cũng rất thấp, chỉ 2471 ppm (0,2471%), thấp hơn nhiều lần so với tất cả sáu loại thiết bị bảo vệ đường hô hấp của Mỹ. Sản phẩm đã được đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ và còn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới.
Đích tiếp theo mà nhóm đang hướng tới là phiên bản sắp tới của Vihelm. Nhóm đã chủ động mang sản phẩm xin được gặp các bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực y tế, công nghệ và sản xuất như Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Vinmec Hà Nội, Nhà máy sản xuất thông minh Vinsmart thuộc Tập đoàn Vingroup để xin ý kiến phản biện, tiếp tục cải tiến, hoàn thiện và tìm hướng sản xuất.
Minh Đức cho biết thêm: “Chúng em đã đăng ký trên trang web gây quỹ cộng đồng toàn cầu tập trung vào sự sáng tạo Kickstarter (Mỹ) để là giới thiệu rộng rãi sản phẩm, tiếp thu phản hồi nhiều chiều từ người dùng, các nhà sản xuất trên thế giới. Chúng em còn cho miễn phí mã nguồn mở và cả thiết kế. Mọi người ở bất kỳ nước nào cũng có thể in 3D ra mũ để bảo vệ người thân”.
Những thành quả hiện tại của nhóm ba bạn trẻ không thể thiếu vai trò hỗ trợ quan trọng của người thầy hướng dẫn Nguyễn Đình Nam và gia đình các em. Chính thầy Nam, một nhà sáng chế có tên tuổi trong giới công nghệ Việt Nam, là người định hướng cho cả nhóm tham gia cuộc thi iCAN 2020. Thầy không chỉ phụ trách các khâu bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và sản xuất cho Vihelm, mà còn là người “gạn lọc” những ý tưởng khả thi; đưa lời khuyên chuyên môn; làm chỗ dựa tinh thần, động viên tâm lý để các em coi đó là “niềm vui được vừa làm, vừa học”.
Ngày đăng: 13-09-2021 425 lượt xem