• Máy đo SpO2 tác dụng gì với F0 điều trị tại nhà ? chỉ số SpO2 bao nhiêu cần gọi cấp cứu ngay?

    Mục đích của đo chỉ số SpO2 nhằm phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy máu của người bệnh, trước khi có các dấu hiệu trên lâm sàng như tím tái.

    Máy đo SpO2 cầm tay là thiết bị y tế phổ biến, dễ sử dụng tại gia đình, cho bất kỳ bệnh nhân nào có tình trạng hạ oxy máu, như viêm phổi do vi khuẩn, hen phế quản, hội chứng ngưng thở lúc ngủ (thường ngủ ngáy)... và viêm phổi do Covid-19.

     

    Về nguyên lý hoạt động, khi kẹp máy đo SpO2 vào đầu ngón tay, đầu dò của máy sẽ phát ra ánh sáng hồng ngoại đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu. Hồng ngoại sẽ bị hồng cầu hấp thu một phần. Từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hấp thu, máy sẽ tính ra số lượng hồng cầu có chứa oxy (máu đỏ).

    Chỉ số hiện trên máy đo SpO2 thể hiện tỷ lệ phần trăm từ 0-100%. SpO2 bình thường là ≥ 97%, tức tình trạng oxy hóa trong máu được xem là đảm bảo. Nếu chỉ số dao động 97-92%, vẫn còn trong giới hạn chấp nhận được, người bệnh theo dõi tại nhà.

    Trường hợp SpO2 thấp hơn 92% phản ánh tình trạng máu thiếu oxy nghiêm trọng, làm bệnh nhân có triệu chứng tím tái ở môi, ngón tay, bệnh diễn tiến nặng... Lúc này, người bệnh cần được cho hỗ trợ hô hấp, cho thở oxy bằng máy tạo oxy hoặc oxy y tế trong bình chuyên dụng. Nếu đã thở oxy với lưu lượng 5-10 lít/phút mà chỉ số SpO2 không cải thiện, không đạt trên 92% thì người bệnh đứng trước nguy cơ suy hô hấp phải can thiệp mức cao hơn, bắt buộc phải nhập viện.

     

    Máy đo SpO2 hiển thị nồng độ oxy trong máu là 97% (số màu xanh lớn) và mạch 94 lần/phút. Với chỉ số này, người bệnh hiện không thiếu oxy. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

    Từ ngày 13/7, TP HCM triển khai thí điểm rút ngắn thời gian cách ly điều trị với các F0 không triệu chứng lâm sàng (ho, sốt, đau họng, khó thở...), nếu đạt những điều kiện bắt buộc. Người bệnh tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, gồm đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày, khai báo các triệu chứng qua phần mềm khai báo y tế điện tử. Nếu có điều kiện, F0 sẽ được hướng dẫn tự theo dõi SpO2 tại nhà.

    Theo bác sĩ Khương, kiểm tra SpO2 liên tục là biện pháp cần thiết, an toàn, hiệu quả và đơn giản trong quá trình theo dõi người bệnh ở nhà, khi không cần đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

    Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở máy không xâm lấn như chế độ lưu lượng cao qua ống thông mũi HFNC hay CPAP... Nếu SpO2 tiếp tục không cải thiện, thậm chí mạch người bệnh đập quá chậm, dưới 60 lần mỗi phút, có khả năng "dọa ngưng tim", các bác sĩ sẽ phải đặt ống nội khí quản cho thở máy xâm lấn.

    Tuy nhiên, bác sĩ Khương lưu ý, chỉ số đo SpO2 của các thiết bị có thể không chính xác 100%, máy luôn có độ sai số. Kết quả đo có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, như máy đã quá cũ, người bệnh sơn móng tay móng chân, mắc Hemoglobin bất thường khi bệnh nhân nhiễm khí CO, hoặc người bệnh run rẩy, cử động khi đo, bệnh nhân bị sốc, tụt huyết áp...

    Máy đo SpO2 hiện nay được sản xuất bởi nhiều hãng, giá thành khác nhau. Các loại máy cầm tay sử dụng tại gia đình giá từ 800.000 đồng đến 5 triệu đồng. Loại máy chuyên dụng dùng tại các cơ sở y tế có khoảng 10 triệu đồng. Gần đây, các loại máy này luôn trong tình trạng "cháy hàng", giá tăng cao so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát mạnh tại TP HCM, bác sĩ Khương cho hay.

    Trước tình trạng nhiều người chủ động tìm mua máy đo SpO2, bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khẳng định "việc này không cần thiết". Bác sĩ Duyên giải thích, trừ những trường hợp mắc bệnh mạn tính, đang điều trị ở nhà và bắt buộc cần phải có máy đo SpO2 để theo dõi sức khỏe, thì việc cố gắng tìm mua, tích trữ vừa lãng phí vừa khiến người thực sự cần dùng máy lại không có.

    "Thay vì lo lắng tình huống (chưa chắc sẽ xảy ra) rằng mình mắc Covid-19, rồi bị trở nặng, suy hô hấp, người dân thời điểm này nên chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà và tiếp xúc nơi đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm. Không mắc bệnh, không phải điều trị, không cần dùng máy", bác sĩ Duyên khuyên.

    Ngoài ra, hai bác sĩ cùng nhấn mạnh, ngoài những lợi ích, máy đo SpO2 tại nhà cũng có thể gây nguy hiểm nếu không cung cấp chỉ số chính xác với tình trạng thực tế của người bệnh. Từ đó, người bệnh chủ quan hoặc hoảng hốt quá mức, dẫn đến tự sử dụng các biện pháp cấp cứu sai. Quan trọng hơn, với bệnh Covid-19, riêng chỉ số SpO2 không đủ để đánh giá tình trạng sức khỏe. Bệnh Covid-19 hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, quá trình điều trị của bệnh nhân nặng, nguy kịch rất phức tạp, cần tuân thủ phác đồ của Bộ Y tế và phải có nhân viên y tế theo dõi sát sao tại bệnh viện.

     

    Chỉ số SpO2 dưới 93%, gọi cấp cứu ngay

    F0 tại nhà dấu hiệu chuyển nặng như tri giác lơ mơ, li bì, khó thở nặng, thở hụt hơi, nhịp thở trên 30 lần một phút, SpO2 dưới 93%, tím tái môi... cần gọi 115 hoặc đội phản ứng nhanh của quận huyện.

    Đây là hướng dẫn mới cho F0 cách ly tại nhà, của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), ngày 4/8.

    Hướng dẫn trước, F0 tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng thì liên hệ y tế địa phương. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu HCDC hướng dẫn cụ thể cách theo dõi chỉ số oxy trong máu (SpO2) và cách xử trí cho các mức SpO2 tương ứng.

    Theo đó, F0 cần tự theo dõi sức khỏe như đo nhiệt độ hai lần một ngày, đo chỉ số oxy trong máu (SpO2) nếu có điều kiện, theo dõi các triệu chứng mới xuất hiện của bản thân dù tình trạng đang tạm ổn.

    Khi xuất hiện những triệu chứng như sốt trên 38,5 độ, đau tức ngực, đau họng, mất mùi, mất vị giác... cần liên lạc với nhân viên y tế để được tư vấn hoặc khám lại.

    Sở Y tế thành phố cũng hướng dẫn, người chỉ số SpO2 trên 97%, không có dấu hiệu bất thường, nhân viên y tế hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

    Người SpO2 từ 95-96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau ngực..., cần được thở oxy qua mũi, chuyển đến cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn để theo dõi và điều trị.

    Người SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức, cần thở oxy qua mask nên chuyển đến khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly tập trung F0 hoặc bệnh viện dã chiến.

    Người tình trạng nguy kịch, tím tái, hôn mê, ngừng thở..., phải thở oxy qua mask hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản, chuyển đến bệnh viện gần nhất.

     

    Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng chiều 3/8 cũng hướng dẫn các quận huyện quản lý sức khỏe F0 cách ly tại nhà. Thành phố lập Tổ phản ứng nhanh trực 24/7 tại mỗi phường, xã với thành phần gồm bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện, Công an, Đoàn thanh niên.... Nhân viên trạm y tế chịu trách nhiệm chính trong công tác sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn.

    Tổ phản ứng nhanh của địa phương khi nhận cuộc gọi của người dân, phải đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi để quyết định đưa xe vận chuyển đến nhà người dân. Trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy, máy đo SpO2...

    Hiện, F0 mới phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) được cách ly tại nhà trong 14 ngày, không cần cách ly tập trung tại các cơ sở của quận, huyện.

    HCDC khuyến cáo F0 không ra khỏi nhà, giữ khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc, luôn mang khẩu trang và tấm che giọt bắn lúc được tiếp tế, sát khuẩn tay thường xuyên. Nếu trong phòng chỉ có một mình, có thể không cần phải mang khẩu trang.

    Để tăng sức đề kháng, cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động, tập thể dục điều độ. Bảo đảm vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt bằng cách ăn sạch uống sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Nhà vệ sinh phải luôn sạch sẽ, luôn mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch sau đi vệ sinh. Phòng ở phải thông thoáng, thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ bề mặt các vật dụng và bề mặt sàn.

     

    Máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Ảnh: Hữu Khoa.

     

    Ngày đăng: 30-03-2022 612 lượt xem
  • Bình luận (1)
  • Bình luận Facebook



    • Captcha