-
Đau gót chân - dấu hiệu dẫn tới suy tĩnh mạch
Viêm gót chân là bệnh đơn giản, dễ chữa ở giai đoạn đầu nhưng nếu không được khắc phục, nó có thể dễ dẫn tới suy tĩnh mạch chân khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Mấy hôm nay, chị Trâm Anh (Ba Đình, Hà Nội) không thể đi giày cao gót như mọi khi vì bị đau gót chân. Sau vài ngày, thấy tình trạng tăng nặng, xoa dầu cao không đỡ, chị đi khám bác sĩ và được kết luận bị viêm bao hoạt dịch gân gót.
Bệnh viêm gót chân
Bệnh thường gặp ở người đi giày cao gót
Không chỉ bị đau phần gót, nhiều người còn có cảm giác nhoi nhói ở phần gót chân. Lúc đầu, khi gặp hiện tượng này, hầu hết mọi người đều cho rằng có thể mình đã giẫm phải vật cứng nhưng thực sự không phải vậy. Hiện tượng này gọi là viêm gân gót. Đau vùng gót chân là bệnh xảy ra phổ biến và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đau vùng gót chân bao gồm 2 dạng chính là: viêm gân gót (viêm gân Achille) và viêm bao hoạt dịch gân gót.
Viêm gót hay gặp ở những người vận động với cường độ cao hoặc gặp ở lứa tuổi trung niên. Khi đó, gân gót bị kéo căng quá mức do vận động quá tải, cộng với những chấn thương lặp đi lặp lại mà không được xử trí đúng cách làm gân gót mất tính mềm dẻo, trở nên thoái hóa, có những tổn thương rách nhỏ, do đó, dễ bị viêm, thậm chí đứt gân. Những yếu tố khác dễ gây bệnh như thay đổi giày đi, thay đổi chế độ luyện tập như tăng lượng vận động...
Một trong những nguyên nhân khác gây đau gót chân là do chấn thương trực tiếp tại vùng gan chân do đi trên nền cứng không bằng phẳng, giẫm phải sỏi đá... làm tổn thương trực tiếp lên mô mỡ đệm ở gan chân. Những người béo phì hoặc thường xuyên phải đi bộ hay, đứng lâu, hay đi giày cao gót... cũng rất hay gặp hiện tượng này.
Không có dấu hiệu cảnh báo sớm
Thực ra, bạn chỉ phát hiện ra mình bị viêm gân gót khi đột nhiên một ngày có cảm giác đau ở vùng mặt dưới gót chân. Cảm giác này tăng lên khi chân thay đổi tư thế. Đặc biệt, người bệnh đau nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy và bước chân xuống giường.
Viêm gân gót chân gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng này thường sẽ bớt dần sau khi vận động. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, các cơn đau sẽ gia tăng, thậm chí trở nên nhức nhối mỗi khi di chuyển. Cũng chính vì lý do này mà khả năng đi lại của người bệnh bị ảnh hưởng, các hoạt động thể thao, du lịch, thậm chí là vệ sinh cá nhân cũng bị hạn chế. Lâu dần, nó có thể làm thay đổi dáng đi, nhất là khi cơn đau kéo lên vùng gối và hông. Về mặt bệnh lý, căn bệnh này có thể dẫn đến suy tĩnh mạch chi dưới, bị gai gót chân, thoái hóa điểm bám gân gót, ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa...
Một số bệnh lý phổ biến khác mà chúng ta hay gặp do hậu quả của viêm gót chân lâu ngày không được điều trị đúng hướng, đó là:
- Gai xương gót: Đây là hiện tượng mọc xương tân tạo tại vùng gót chân do viêm cân gan chân kéo dài. Nhiều trường hợp phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ, nếu không, nó sẽ làm tình trạng đau gia tăng.
- Hội chứng đường hầm cổ chân mắc phải: Khi mắc phải hội chứng này, bạn sẽ có cảm giác tê rát, tê cóng, căng chặt vùng bàn chân hay gót chân. Về cơ bản, bạn phải dùng thuốc để điều trị nhưng cũng có khi phải phẫu thuật giải phóng chèn ép.
Theo ANTD.VN
Ngày đăng: 02-11-2017 1,237 lượt xem