• Những thực phẩm giúp bổ máu

    Thiếu máu là tình trạng máu có số lượng hồng cầu thấp hơn so với bình thường. Thiếu máu có thể do stress, di truyền hay những rối loạn khác gây ra. Để điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bị thiếu máu tốt, trước tiên bạn cần xác định được nguyên nhân và dấu hiệu bệnh thiếu máu là như thế nào?

     

    Dấu hiệu và nguyên nhân thiếu máu

    1. Dấu hiệu của tình trạng thiếu máu

    Một người bị bệnh thiếu máu tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ thiếu máu nhẹ hay nặng mà có các biểu hiện khác nhau. Nhưng triệu chứng phổ biến nhất khi bị thiếu máu đó là cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng. Khi bị tình trạng thiếu máu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tức ngực, choáng váng, chân tay lạnh, da xanh xao, nhợt nhạt, mạch nhanh, nói hụt hơi, rối loạn tiêu hóa… Nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh để từ đó có cách điều trị hiệu quả.

    Chín dấu hiệu thường gặp khi bạn bị thiếu máu.

    2. Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu

    Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra thiếu máu nhưng nhìn chung có thể chia làm 3 nhóm chính đó là:

    - Thiếu máu do mất máu

    - Mất máu cấp tính do: phẫu thuật, sinh đẻ, chấn thương…

    - Mất máu mạn tính do: viêm loét dạ dày, ung thư, nhiễm giun sán, phụ nữ tới thời kỳ kinh nguyệt...

    Khi bị mất máu nhiều cơ thể sẽ tự phản ứng lại bằng cách kéo nước từ các mô bên ngoài vào mạch máu từ đó làm máu bị pha loãng ra dẫn đến thiếu máu.

    Thiếu máu do giảm quá trình tạo máu

    Chế độ ăn uống hàng ngày bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như: sắt, vitamin B12, Acid folic. Đây là 3 trong những dưỡng chất quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình tạo máu của cơ thể, gây nên thiếu máu. Những người ăn chay, nghiện rượu, đái tháo đường đặc biệt có nguy cơ thiếu máu cao hơn những người bình thường.

    Ăn uống thiếu sắt là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu.

    Những người mắc bệnh về tủy xương dễ bị thiếu máu bởi vì tủy xương là cơ quan chủ yếu thực hiện quá trình tạo máu. Chính vì vậy, các bệnh về tủy xương như bệnh máu trắng, u tủy xương, viêm tủy xương… cũng sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng tới quá trình tạo máu.

    - Thiếu máu do các tế bào máu bị phá hủy quá nhiều

    Thông thường, tế bào hồng cầu khỏe mạnh sẽ tồn tại trong khoảng từ 90 – 120 ngày. Sau đó, các bộ phận của cơ thể sẽ dần loại bỏ các tế bào máu cũ.  Nhưng chúng có thể bị phá hủy sớm hơn do một số bệnh nhiễm khuẩn, bệnh về máu, rối loạn miễn dịch, phơi nhiễm hóa chất độc và sử dụng các thuốc có thể tác động xấu đến việc sản xuất hồng cầu và dẫn tới thiếu máu

    Các thực phẩm giúp bổ máu

    Khi cơ thể thiếu máu sẽ dẫn đến nhiều tình trạng đau đầu mệt mỏi chóng mặt và hạ huyết áp… Do đó, trong khẩu phần ăn hằng ngày của mỗi người cần bổ sung những thực phẩm bổ máu như:

    · Thịt bò: Đây là một trong các món ăn bổ máu nhất do lượng sắt trong thịt bò khá cao. Cứ 100g thịt nạc bò cung cấp khoảng 3,1mg sắt, nghĩa là khoảng 21% lượng sắt cần thiết cho một tuần. Do đó, bạn nên thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày của mình để tốt cho sức khỏe.

    Thịt bò là thực phẩm tốt cho người bị thiếu máu.

    · Trứng:  Là thực phẩm nhiều dinh dưỡng gồm vitamin, canxi, phốt pho, protein, khoáng chất và sắt. Trứng là một trong những thực phẩm bổ máu, chỉ cần 2 quả trứng luộc có thể cung cấp năng lượng cho cả một buổi sáng. Ăn trứng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu hiệu quả.

    · Bí ngô: Là một trong những thực phẩm bổ máu chứa nhiều dinh dưỡng không thể không kể đến là bí ngô. Bí ngô giàu sắt và các chất dinh dưỡng tốt cho máu khác như protein thực vật, các axit amin, can xi, kẽm…

    · Hải sản: Như cua, tôm, hàu, sò, cá thu, cá hồi,… là các món ăn bổ máu vì chứa nhiều sắt. Ngoài ra, các loại hải sản vừa cung cấp sắt vừa cung cấp vitamin B12 giúp ngừa bệnh thiếu máu.

    · Các loại đỗ: Các loại đỗ như đỗ xanh, đỗ đen, đỗ đỏ không chỉ cung cấp lượng sắt dồi dào cho cơ thể mà còn chứa nhiều molypden là khoáng chất cần thiết giúp hấp thụ sắt. Trước khi chế biến nên ngâm đỗ vào trong nước ấm qua đêm để giảm tỷ lệ axit phytic nhằm tăng khả năng hấp thụ sắt vào cơ thể nhanh hơn.

    · Củ dền:  Củ dền được các bác sỹ khuyên dùng cho bệnh nhân thiếu máu. Trong tuần bạn nên uống hai chén nước củ dền sẽ giúp tăng số lượng tiểu cầu trong máu. Củ dền có thể nấu súp, uống nước ép hoặc ăn như một món salad.

    Ăn nhiều củ dền giúp bạn bổ sung máu hiệu quả.

    · Rau xanh: Các loại rau có màu xanh đậm chứa nhiều vitamin A,C,K và chất sắt non. Những thực phẩm bổ máu như bông cải xanh, rau bi na, rau má, rau mồng tơi và đặc biệt là cái bó xôi chứa rất nhiều magie, can xi, sắt, mangan cùng các vitamin.

    Cách chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân thiếu máu

    Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các thực phẩm giúp cho bệnh nhân bổ máu, thì để điều trị tốt hơn các bạn cần phải có một quy trình chăm sóc sức khỏe cho người thân của mình khi bị thiếu máu như sau:

    - Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động, nằm đầu thấp.

    Bệnh nhân nằm đầu thấp để làm tăng lượng máu lên não nhanh.

    - Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

    - Cho bệnh nhân ăn nhừ, nghiền nát,nhiều sợi sơ và uống nhiều nước cho dễ tiêu.

    - Vệ sinh răng, mũi, miệng sạch sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn. Hàng ngày, phải lau người, tay chân bằng nước ấm.

    - Tránh cho bệnh nhân ăn uống nhiều chất kích thích như: rượu, bia, ớt, hạt tiêu…

    - Tránh cho bệnh nhân ngồi dậy đột ngột, giúp bệnh nhân ngồi dậy từ từ một vài phút rồi mới đứng dậy đi.

    - Trấn an tinh thần và giải thích bệnh tình cho bệnh nhân hiểu để tránh làm việc nặng nhọc.

    - Thường xuyên kiểm tra huyết áp, tim mạch, nhịp thở, nhiệt độ của bệnh nhân.

    - Nên đưa bệnh nhân đi khám, xét nghiệm định kỳ.

    Hy vọng, qua bài viết những thực phẩm giúp bổ máu sẽ giúp cho bạn có thể chăm sóc tốt cho người thân yêu của mình khi chẳng may mắc bệnh trên. Chúc bạn và gia đình luôn luôn vui khỏe!

    Ngày đăng: 22-03-2018 2,054 lượt xem
  • Bình luận (3)
  • Bình luận Facebook



    • Captcha

    • Nguyễn Trâm (24-04-2018) Trả lời
      Em có một vấn đề muốn được tư vấn, khi em đi ngủ và tự thức dậy thì không sao nhưng nếu có ai kêu em dậy thì sau đó đầu ốc em cứ quay quay, chóng mặt, tay chân lạnh. Em không biết em bị như vậy có nghiem trọng gì không ạ?
    • Hữu Nhật (20-04-2018) Trả lời
      Cho tôi hỏi có thảo dược đông y nào tốt cho người bị thiếu máu không vậy?
    • Tú Như (16-04-2018) Trả lời
      Bài viết rất hữu ích. Em đang có tình trạng thiếu máu, đứng lên ngồi xuống hay hoa mắt chóng mặt. Em muốn hỏi là ngoài áp dụng bài viết trên mình còn có loại thuốc đông y nào điều trị về tình trạng này không, vì em sợ áp dụng các cách trên không ăn thua.